Phụ nữ vấn tóc đuôi gà, mặc áo tứ thân, đi dép cong. Nam giới búi tóc củ hành, mặc áo the thâm, đi giày Gia Định… Để tăng không khí cổ xưa có thêm một tấm trình bày bằng chữ Nôm, ca dao, tục ngữ, thơ văn về Thăng Long và một tấm trích đoạn thơ văn ngữ Hán như Chiếu dời đô, Bình Ngô đại cáo…
Công cuộc “đi tìm thời gian đã mất” (Nói theo nhà văn Pháp Proust: Ala recherche du temps perdu) của Thế Khang là một sự ngẫu nhiên trở thành một đam mê. Ông sinh trong một gia đình bốn đời làm nghề thêu, gốc ở làng Đào Xá (Thường Tín) có nghề thêu truyền thống trước khi di cư sang Bắc Ninh. Hồi Pháp thuộc, nghề thêu phát triển được ở thị xã Bắc Ninh vi hàng có thể bán cho những người Pháp và gia đình họ sống ở thị trấn cảng Đáp Cầu là nơi có đồn lính. Về sau, gia đình có cửa hàng thêu ở Hà Nội. Qua những năm chiến tranh chống Pháp, Thế Khang không được đào tạo liên tục ở nhà trường, nhưng cũng tự học để cho mình một cái vốn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung để kiếm sống. Ông dạy tiếng Trung và sau khi kháng chiến chống Pháp kết thúc (1954) ông làm cán bộ phiên dịch cho Tổng cục Bưu điện cho đến khi về hưu (1981), vào tuổi 60.
Có thì giờ rỗi và lương hưu không nhiều, ông nảy ra ý vẽ tranh lụa để kiếm thêm tiền và để giải trí. Từ lúc 15 tuổi, ông đã mê vẽ vì sống trong không khí gia đình mỹ nghệ. Thế là ông bắt đầu chép tranh lụa cổ điển Trung Quốc để bán, và bán được. Dần dần, ông tạo ra một kiểu vẽ riêng, có liên quan đến nghề thêu. Đén năm 1979, xảy ra cuộc xung đột biên giới Hoa – Việt. Thế Khang chuyển sang vẽ lụa miêu tả thắng cảnh và lịch sử Việt Nam, đồng thời cũng có thể hiện phác thảo của mình bằng sơn mài.
Từ năm 1992, ông để hết cả tâm lực vào bức hoành tráng sơn khắc “Hà Nội thế kỷ 19”. Tiền dành dụm được hơn hai trăm triệu để làm nhà, ông dùng cho dự án ấy. Ông tập hợp bạn bè cùng nghiên cứu các tư liệu trong nước và nước ngoài, sưu tầm được những bản đồ các năm 1831, 1873, 1884… Ông may gặp được ông ích, người Bắc Kạn làm nghè vẽ vũ khí, thiết kế mỹ thuật cho viện bảo tàng, cho điện ảnh, và học được cả nghề sơn khắc. Ông Ích, ngoài 60 tuổi, đã về hưu; thấy dự án của ông Khang, ông mê quá. Có mấy chục triệu để chữa bếp, ông cải tạo bếp làm xưởng họa và cùng con là Lợi (tốt nghiệp đại học họa) thực hiện ý đồ của ông Khang.
Công trình hoàn thành sẽ là một đóng góp có ý nghĩa vào lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội.
Hữu Ngọc –Sức khỏe & Đời sống/ Bộ Y tế – Hà Nội – Số 16(829) – Năm 1999